Siết vàng, kiểm soát NH: Chứng khoán tiếp tục tăng?
Một sóng tăng mới dành cho chứng khoán là gần như chắc chắn. Chỉ có điều, sóng tăng càng lớn thì rủi ro càng cao. Nếu thị trường đảo chiều đột xuất, cầm chắc là giá nhiều cổ phiếu sẽ rơi tự do, hệt như năm 2011.
Vui như "Cá tháng Tư"
Thị trường vẫn đều đặn phục hồi trong bối cảnh sa sút của ngày càng nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn. Hiện tượng đặc biệt này phải chăng toát lên một ẩn ý nào đó trong con sóng đánh lên bất thường từ đầu năm 2012 đến nay?
Hàng loạt mã cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt như VSP, ANV, BAS, FBT, PVT, MHC, TRI, SHN... do liên tục bị lỗ trong 2 năm hoặc thậm chí đến 5 năm liên tiếp. Ngay cả vào hoàn cảnh bĩ cực nhất trong nửa cuối năm 2011, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng không mạnh tay "xếp hạng doanh nghiệp" như thời gian này.
Nhưng có điều lạ là không ít mã cổ phiếu đứng trước nguy cơ bị ngừng niêm yết lại đã trở thành tiêu điểm của dòng tiền nóng. Một lần nữa, giới đầu tư chứng khoán lại phải bày tỏ sự kinh ngạc về phong trào mua đuổi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ đối với những cổ phiếu dạng như vậy.
SHN là một đơn cử rất sống động. Doanh nghiệp này đã thực lâm vào vòng phá sản khiến cho giá cổ phiếu trên sàn Hà Nội lao dốc không ngừng. Nhưng chẳng khác gì giai đoạn hưng phấn vào năm 2009, gần như bất cứ một cổ phiếu nào bị "kiểm soát đặc biệt" cũng đều được giới đầu cơ "chăm sóc" một cách kỹ lưỡng. Giá lao xuống rồi lại lao lên không ngừng nghỉ, khiến cho nhà đầu tư mờ mắt vì lợi nhuận, không kềm chế được lòng tham rồi sẵn lòng lao theo giá trần, bất chấp vô số rủi ro chờ đón trong ngắn hạn.
Ngày "Cá tháng Tư" vì thế cũng lại trở thành một đánh đố khôi hài đối với giới đầu tư. Trong khi nhiều nhà đầu tư tưởng chừng thị trường đã hết sức bật và cuống cuồng tìm cách chốt lãi hoặc cắt lỗ (phần cắt lỗ dĩ nhiên là nhiều hơn đối với giới đầu tư nhỏ lẻ), thì chỉ số chứng khoán lại tái diễn một phiên thăng hoa đến 3% của nó. Nhiều người đã cho rằng phiên giao dịch này thực ra chỉ là một trò lừa đảo của nhóm tạo lập thị trường. Nhưng nếu xét theo phép "biện chứng lịch sử" thì không ít ngày "Cá tháng Tư" lại đã biến thành khởi đầu của cuộc đua tăng trưởng mới trên thị trường chứng khoán.
Hiệu ứng từ siết đầu cơ vàng
Vào đầu tháng Tư Nghị định số 24 của Chính phủ về quản lý kinh doanh vàng ra đời sau hơn 5 tháng chờ đợi. Và trong thời gian đó, giá vàng hầu như không suy xuyển, lê thê kéo ngang đầy mệt mỏi. Đó cũng là tâm trạng của giới kinh doanh vàng, đặc biệt là các nhóm đầu cơ vàng nhỏ lẻ.
Đã không có một con sóng có ý nghĩa nào đối với kênh vàng trong suốt nửa năm qua. Nếu mức 1.923 USD/oz đã được một bộ phận trong giới phân tích quốc tế coi là đỉnh của giá vàng thế giới trong năm 2011 và kể cả trong năm 2012 này, thì cũng không khó hiểu thế đi ngang của giá vàng trong nước.
Từ vùng dao động 45-46 triệu đồng/lượng, giờ đây giá vàng trong nước đang lui về vùng thấp hơn: 43-44 triệu đồng/lượng. Song mức sụt giảm nhẹ nhàng như vậy không có ý nghĩa gì lớn nếu xét đến tình hình thanh khoản đang sa sút quá rõ trong thị trường này.
Ở nhiều công ty chứng khoán, người ta đã chứng kiến nhiều ví dụ về nhà đầu tư "bỏ vàng theo chứng khoán". Dòng tiền đã và đang âm thầm chuyển từ một kênh đầu tư được xem là có độ rủi ro thấp sang một kênh có tính phiêu lưu "khủng" hơn nhiều.
Cũng đã rõ là tỷ lệ lợi nhuận của giá cổ phiếu trong thời gian qua là "khủng" đến thế nào so với vàng. Trong khi giá vàng cứ tuột dần thì chỉ trong mấy tháng qua, nhiều cổ phiếu đã tăng giá đến 30-40%. Đặc biệt những cổ phiếu bị làm giá còn tăng gần gấp đôi - một tỷ lệ không tưởng trong bối cảnh thị trường vàng quá trầm lắng trong thời gian gần đây.
Con sóng tăng từ đầu năm 2012 đến nay, tuy đã mang lại lời lãi chung cho thị trường, nhưng với nhiều nhà đầu tư thì chỉ như muối bỏ bể, hoàn toàn chưa có một ý nghĩa nào đối với khoản lỗ lũy kế của họ từ đầu năm 2011 đến nay.
Tuy nhiên, khởi đầu của tháng Tư đã đặt suy đoán của nhà đầu tư vào tình thế phải chọn một trong hai: thị trường hoặc chuẩn bị lao dốc mạnh, hoặc đang âm thầm tích cóp cho một đợt tăng mới. Nghị định 24, nếu được hiểu một cách thực chất, sẽ càng làm cho thanh khoản của kênh đầu tư vàng tệ hơn, không chỉ đối với giới đầu cơ mà còn cả với những người giao dịch nhỏ lẻ. Với một kênh đầu tư có triển vọng mong manh như thế, thật chẳng bõ bèn gì để bỏ vốn chôn vào đó.
Thăng hoa đến khi nào?
Như vậy, tín hiệu tích lũy và chuẩn bị phát tác dòng tiền đang hình thành. Cùng với đà tăng răng cưa của chứng khoán, trong tháng Tư này chắc chắn sẽ xảy ra hiện tượng phần lớn dòng tiền chuyên đầu cơ vàng sẽ quyết định chuyển sang chứng khoán nếu nhận thấy cơ hội rõ rệt hơn ở thị trường này. Cùng với tiềm lực mua ròng liên tục của khối ngoại, dòng tiền từ vàng sẽ là một kích thích tố không hề nhỏ để nhóm tạo lập thị trường vin vào đó mà đánh thị trường lên mạnh.
Chỉ phải chờ đợi thêm một yếu tố khác, có lẽ không thể thiếu trong bài toán tổng hợp kích cầu chứng khoán - giảm lãi suất. Khác với thời điểm đầu tháng 12/2011 khi tỏ ra quá thận trọng đối với những thông điệp liên quan đến hạ lãi suất, gần đây một lãnh đạo Ngân hàng nhà nước lại chủ động thông tin cho báo chí về khả năng lãi suất sẽ còn giảm tiếp.
Nếu quả thực trong tháng Tư này, 9 ngân hàng thương mại bị liệt vào loại "yếu kém" được Ngân hàng nhà nước "thu xếp" ổn thỏa, đó quả là cơ hội trời cho đối với chứng khoán. Khi đó, thị trường sẽ "không cánh mà bay", vì bất cứ một thời điểm nào đó, các ngân hàng cũng có thể đột ngột tung ra "gói cứu trợ doanh nghiệp" thông qua một động thái giảm lãi suất , thậm chí là giảm mạnh.
Một sóng tăng mới dành cho chứng khoán là gần như chắc chắn. Thậm chí, sẽ là một sóng tăng cực mạnh cho tất cả những nhà đầu tư ưa thích rủi ro.
Chỉ có điều, sóng tăng càng lớn thì rủi ro càng cao. Ngay từ điểm khởi phát của sóng tăng răng cưa trong tháng Tư này, mức giá của khá nhiều cổ phiếu sẽ không còn an toàn đối với giới đầu tư. Nếu thị trường đảo chiều đột xuất, cầm chắc là những cổ phiếu này sẽ rơi tự do, hệt như năm 2011.
Theo Việt Thắng
VEF
Cổ đông
Thông tin dự án
Tin tức nổi bật
-
21/07/2022
LỄ BÀN GIAO VÀ CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH BỔ NHIỆM TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN HÀ ĐÔ 1
-
09/04/2022
CÔNG TY CP HÀ ĐÔ 1 TỔ CHỨC ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG THƯỜNG NIÊN 2022
-
05/04/2022
LỄ CÔNG BỐ BỔ NHIỆM ÔNG LƯU THƯỢNG HẢI GIỮ CHỨC VỤ PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY
-
24/01/2022
CÔNG TY CP HÀ ĐÔ 1 TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT NĂM 2021 VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH NĂM 2022
-
05/02/2021
HÀ ĐÔ 1 TỔNG KẾT CÔNG TÁC SXKD NĂM 2020 VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH SXKD NĂM 2021